Luyện Thi Hà Đông

 
Home Thông tin liên lạc Thông tin cần biết
Thông tin cần biết
Trường THPT chuyên tại Hà Nội In Email

Lịch sử hình thành và phát triển Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ

Tháng 3 năm 1947, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển từ giai đoạn cầm cự sang phòng ngự, tại làng Sêu, nay là thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, đã ra đời Trường trung học Kháng chiến mang tên Người anh hùng áo vải dân tộc Nguyễn Huệ.

Thầy giáo Nguyễn Đình Quang được Sở giáo dục Liên khu III cử làm Hiệu trưởng đầu tiên. Sau đó, từ 1947-1954 là các thầy Hoàng Đình Ân, Nguyễn Khắc Cương, Lê Hoàng Oánh lần lượt đảm nhận chức vụ này; cùng với các thầy giáo Chu Xuân Nguyên, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Minh, Tô Thảo... là thế hệ nhà giáo đầu tiên của Nhà trường. Những học sinh khoá đầu của Trường, con em đồng bào, cán bộ từ Hà Nội tản cư đi kháng chiến và con em nhân dân tỉnh Hà Đông (vùng tự do và vùng tạm chiếm) với gần 200 học sinh, được tập hợp thành 4 lớp học . Các lớp đệ nhất, đệ nhị, đệ tam được học trong ngôi trường tiểu học đơn sơ ở làng Sêu, lớp đệ tứ học trong đình làng. 

Ngày 30 tháng 3 năm 1948, Huyện uỷ Mỹ Đức ra quyết định thành lập chi bộ đầu tiên của nhà trường gồm các đồng chí: Khuất Duy Đạt (Bí thư ), Trần Văn Diễn, Đặng Xuân Kỳ, Phạm Thanh. 

Ngày 17 tháng 11 năm 1949, Trường tiến hành Đại hội Hiệu Đoàn đầu tiên do đồng chí Tưởng Toàn Chính là Hiệu Đoàn trưởng.

 Năm 1949 -1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển dần sang giai đoạn tổng phản công. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, trong số gần 200 học sinh khoá đầu đã có 150 người tham gia quân đội và lực lượng vũ trang. Nhiều anh chị đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, như các liệt sĩ Đặng Đình Liêm, Trần Quang Oánh, Lê Đình Diễm, Bùi Trường Bao, Tưởng Toàn Ninh, Nguyễn Thạch Toàn…Tên tuổi các anh đã trở thành bất diệt. Nhiều người đã trưởng thành là những sĩ quan, tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang, tiêu biểu như Anh hùng trung tướng Phan Thu, Trung tướng Chu Duy Kính, Thiếu tướng Lưu Sỹ Hiệp, Phí Văn Hà… 

Những người không có điều kiện tham gia quân đội đều tích cực hoạt động trên các lĩnh vực văn hoá, xã hội, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật,…nhiều người trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, nhà khoa học tài năng, nhà văn, nhà thơ, thầy giáo, thầy thuốc, tiêu biểu là: Giáo sư tiến sĩ Phạm Ninh Hạc, Đặng Xuân Kỳ, Đặng Ngọc Thanh, Vũ Mạnh Kha, Hoàng Mạnh Tú, Đặng Nghiêm Hoàng, Đào Xuân Lâm, Ngô Vi Tuấn, nghệ sỹ ưu tú Lưu Xuân Thư,… Họ luôn là niềm kiêu hãnh của Nhà trường.

Năm 1950, sau những trận giặc Pháp ném bom Vân Đình, để tránh bị càn quét, Trường phải sơ tán vào Thanh Hoá và đổi tên thành Trường Nguyễn Trãi (để không trùng tên với Trường quân chính Nguyễn Huệ); cùng với các Trường Nguyễn Thượng Hiền, Hoa Lư, Cù Chính Lan…tập hợp lại thành “Thủ đô văn hoá” vùng tự do kháng chiên liên khu III. 

Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân pháp toàn thắng, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng. Trong những ngày hoà bình đầu tiên, thầy và trò đã dời Thanh Hoá trở về tham gia tiếp quản thị xã Hà Đông và lấy lại tên Trường Nguyễn Huệ.

 Có thể nói, thầy và trò Nguyễn Huệ thời kháng chiến chống thực dân Pháp đã vượt bao khó khăn, gian khổ để vừa giảng dạy - học tập, vừa tham gia chiến đấu. Thế hệ học sinh khoá đầu tiên đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp của nhà trường, Một thế hệ đã đặt nền móng cho truyền thống vẻ vang của Nhà trường. Thế hệ đầu tiên ấy trải qua hai cuộc chiến tranh đã phát huy tinh thần yêu nước, không ngại hy sinh gian khổ, hăng say lao động, cống hiến nhiều cho đất nước. Từ mái tường Nguyễn Huệ có 6 vị tướng, 20 đại tá, 20 giáo sư tiến sĩ, 1 anh hùng quân đội, 20 người lần lượt tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội… 

Năm 1959, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí của nhân dân trong tỉnh, thực hiện cải cách giáo dục chuyển đổi hệ thống trường lớp, Nhà trường bắt đầu có những lớp cấp III. Từ năm 1961, Trường Nguyễn Huệ trở thành trường cấp III đầu tiên của tỉnh Hà Đông .

Tháng 10 năm 1965, Sở giáo dục Hà Sơn Bình (nay là sở giáo dục Hà Nội) giao cho Trường nhiệm vụ đào tạo học sinh năng khiếu toán. Hệ chuyên Toán được thành lập từ đó và cũng là hệ chuyên toán sớm nhất của miền Bắc, làm đà cho các hệ chuyên của trường Nguyễn Huệ sau này. 

Giai đoạn 1954 - 1975, các thầy Nguyễn Viết Bảo (1954 - 1960), Phan Quang Di (1960 - 1967), Nguyễn Như Cang (1967 - 1972), Nguyễn Sàng (1972 - 1975) lần lượt làm Hiệu trưởng; Phó hiệu trưởng là các thầy Vũ Tích, An Tuấn Dũng, Cô Lưu Cẩm Hà. 

Thế hệ học sinh thời đánh Mỹ đã tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của Nhà trường, đóng góp nhiều thành tích trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH. Nhiều người đã trưởng thành, là những cán bộ, sĩ quan cao cấp của lực lượng vũ trang, là các cán bộ khoa học - kỹ thuật có học vị bằng cấp, GS, PGS, tiến sĩ, phó tiến sĩ và thạc sĩ, tiêu biểu là các anh Trình Văn Đật, Đặng Ứng Vận, Phạm Viết Vượng, Nguyễn Văn Ngoạn, Vũ Dương Thuỵ, Nguyễn Văn Qùy, Đỗ Văn Lập, Nguyễn Văn Hiền, Lê Công Quý, Nguyễn Văn Chuyên, Ngô Dương Sinh, Nguyễn Quốc Ân... Nhiều anh chị là kỹ sư, bác sĩ, thầy cô giáo, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các nhà doanh nghiệp, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú …Đặc biệt hàng ngàn học sinh sau khi ra trường tiếp tục học lên rồi trở về địa phương tham gia làm cán bộ chủ chốt ở các cấp tỉnh, huyện, xã, tham gia các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của địa phương, đã đem nhiệt tình đóng góp vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, thay đổi bộ mặt của quê hương tiêu biểu như anh Đỗ Văn Thân (nguyên Bí thư thị uỷ Hà Đông), anh Thái Quang Chiểu (nguyên Bí thư huyện uỷ Thanh Oai)...

Năm 1975, miền Nam đuợc hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, nhân dân cả nước tập trung công sức khôi phục và xây dựng đất nước theo định hướng XHCN. Trường Nguyễn Huệ, do thầy Vũ Tích làm hiệu trưởng (1975-1994), Phó hiệu trưởng lần lượt là các thầy cô giáo: An Tuấn Dũng, Lưu Thuý Hiến, Hoàng Kim Cầu, Lý Quốc Hào, Bùi Thị Tý, Đào Văn Long, Thái Văn Bình, Đặng Khánh Hội, Trường Nguyễn Huệ chuyển về cơ sở mới là khu Ao Cá (từ năm 2013 là trường THPT Lê Lợi), cở sở vật được xây dựng kiên cố 3 tầng với 30 lớp học, được Hội Pháp - Việt giúp đỡ nhiều trang thiết bị thí nghiệm hiện đại, càng có nhiều thuận lợi để khẳng định vị thế của mình trong phong trào giáo dục tỉnh nhà. Nhà trường luôn giữ vững truyền thống “dạy tốt - học tốt”, liên tục là trường tiên tiến, tiên tiến xuất sắc, có nhiều tổ lao động xã hội chủ nghĩa nhiều năm như tổ Vật lý - ký thuật , tổ Xã hội, tổ chuyên Toán. Nhiều tập thể học sinh đạt danh hiệu tập thể xã hội chủ nghĩa, nhiều thầy cô giáo đã phấn đấu không mệt mỏi, trở thành giáo viên giỏi các cấp, một số trở thành nòng cốt về chuyên môn của ngành, đã đóng góp nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong các hội nghị khoa học ở tỉnh và quốc gia như các thầy cô: Nguyễn Tuấn Anh, Đỗ Đình Khoa, Hoàng Dân Hiên, Vương Ngọc Quang, Nguyễn Lan Anh, Vũ Trọng Kim, Lê Quang Chúc, Nguyễn Dũng, Đặng Xuân Bình... mà tiêu biểu nhất là cô giáo Bùi Thị Tý nhà giáo ưu tú, đại biểu quốc hội 4 khoá liền, giải thưởng toán học quốc tế Xô- phi a - Cô - va lép - xkai - a, nhiều thầy cô đã trưởng thành từ mái trường này giữ chức vụ quản lý của Bộ, ngành, của Nhà trường như thầy An Tuấn Dũng (nguyên Phó tổng biên tập báo An toàn giao thông), Cô Nguyễn Lan Anh (nguyên Vụ phó Vụ tổ chức cán Bộ giáo dục của Bộ giáo dục), thầy Lý Quốc Hào (nguyên Giám đốc sở Giáo dục đào tạo Hà Tây)… 

Năm 1984, Nhà trường có thêm hệ chuyên Hoá và năm 1988 hệ chuyên Pháp được thành lập.

Năm 1995, thầy Vũ Tích nghỉ hưu, thầy Thái Văn Bình lên làm Hiệu trưỏng, Phó hiệu trưởng là thầy Lê Huy, Nguyễn Trọng Tấn, Đặng Khánh Hội, sau là Thầy Nguyễn Thanh Sơn, Trần Ngọc Năm, cô Đặng Xuân Bình.

Ghi nhận những đóng góp của thầy và trò Nhà trường qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và xây dựng CNXH, nhà trường được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng ba năm 1987, Huân chương Lao động hạng nhì năm 1990, Huân chương lao động hạng nhất năm 1997.

Năm 1997, là điểm mốc quan trọng của lịch sử nhà trường. Sau hơn 10 năm đổi mới, theo tinh thần nghị quyết TW 2 thực hiện mục tiêu giáo dục “Nâng cao dân trí - Đào tạo nhân lực - Bồi dưỡng nhân tài ”, UBND tỉnh , Sở GD - ĐT Hà Tây giao cho Nhà trường một nhiệm vụ mới đào học sinh năng khiếu cho tỉnh. Ngày 8 tháng7 năm 1997, UBND tỉnh ra quyết định số 689/ QĐ - UB chuyển trường PTTH Nguyễn Huệ thành trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ. Nhà trường từ chỗ chỉ có 3 Hệ chuyên Toán, Pháp, Hoá nay có đầy đủ 11 hệ chuyên Toán, Lý, Hoá, Sinh, Tin, Văn, Sử, Địa, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga.

Nhà trường hiên có 131 cán bộ giáo viên, công nhân viên; trong đó có 1 tiến sĩ 2 giáo viên đang theo học tiến sĩ, 36 thạc sĩ, 6 giáo viên đang theo học thạc sĩ. Đảng bộ nhà trường có 4 chi bộ với tổng số 52 đảng viên. Tiếp bước truyền thống của các thế hệ nhà giáo đi trước, thế hệ nhà giáo Nguyễn Huệ ngày nay đang miệt mài phấn đấu vươn lên trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích cực tham gia phong trào thi đua “hai tốt”: 11 đồng chí được tặng bằng khen của Bộ Giáo Dục, 3 đồng chí được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 1 đồng chí đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 1 đồng chí được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, 6 nhà giáo ưu tú.

Học sinh Nguyễn Huệ hôm nay luôn kế thừa truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha anh đi trước, đã và đang tô thắm thêm cho mái trường thân yêu bằng kết quả học tập rèn luyện, lao động sáng tạo của mình. Trên nền tảng giáo dục toàn diện, tính từ năm 2000 đến nay (2012) có 602 giải quốc gia, 14 giải quốc tế và khu vực về các bộ môn văn hoá, TDTT, môi trường. Hàng năm, Trường có 100% số học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, khá. Trong 5 năm trở lại đây, số học sinh khá giỏi của nhà trường đạt 98% ; 100% số học sinh khối 12 tốt nghiệp, đặc biệt (có trên 50 % xếp loại giỏi) tỷ lệ đỗ đại học: khối chuyên 80 - 90%, nhiều lớp chuyên đỗ 100%, khối phổ thông đỗ từ 50 - 60 % và nhiều học sinh đỗ thủ khoa của các trường đại học, nhiều học sinh được theo học lớp cử nhân tài năng. 

Với những thành tích xuất sắc trên, năm 2000 Nhà trường được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, và năm 2003 được tặng thưởng huân chương Độc lập hạng ba, năm 2008 được tặng thưởng huân chương Độc lập hạng nhì. 

 

 
Thông tin cần biết In Email

 

 

 

 


Đăng nhập



Liên kết

BGD
NH
Ams